Web tradingOpen account
Flag EngENG

Market

Market reports

Tin tức thị trường ngày 19/04/2024

Tin tức thị trường ngày 19/04/2024

19/04/2024

VNIndex mất mốc 1,180 sau 4 phiên giảm liên tiếp

VNIndex đóng cửa tại 1,175 điểm, giảm 18 điểm với thanh khoản tăng lên mức 23.7 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, sau phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp hôm nay, chỉ số chính thức kết tuần dưới đường MA200. Trong phiên sáng, áp lực bán dồn dập tiếp tục nhấn chìm bảng điện tử, khi dòng tiền còn thận trọng trước loạt tin xấu như tỷ giá tăng, xung đột Israel - Iran leo thang, v.v. Đến phiên chiều, dù dòng tiền cải thiện có phần giúp thị trường tăng tích cực thêm gần 25 điểm từ mức đáy trong ngày, song áp lực mất điểm từ loạt mã vốn hóa lớn cũng nhanh chóng nhấn chìm mọi nỗ lực hồi phục. Độ rộng thị trường tiếp tục bị phe bán chiếm ưu thế, với 94 mã tăng/422 mã giảm.

Top tăng điểm gồm một số mã nổi bật là BID (+0.5%), MSB (+1.9%), VCF (+3.8%) và SHB (+0.5%).

Top giảm điểm gồm nhóm bất động sản, với các tiêu điểm là VIC (-5.3%), NVL (-4.0%) và BCM (-5.0%). Nhóm chứng khoán tiếp tục bị bán mạnh, chịu áp lực lớn nhất là các mã SSI (-3.5%), VND (-2.3%) và VIX (-4.1%). Nhóm dầu khí với các mã BSR (-3.2%), OIL (-3.2%) và PLX (-1.8%). Tương tự, nhóm hóa chất với GVR (-1.9%), DPM (-4.0%) và DCM (-2.4%).

Khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng, với tổng giá trị mua ròng đạt 683 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất vào các mã VNM (+94 tỷ), DIG (+92 tỷ), VND (+89 tỷ) và HPG (+82 tỷ). Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán mạnh nhất MWG (-98 tỷ).

Tin tức và sự kiện:

- Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp khó khăn, nhóm khách hàng đủ điều kiện thêm 6 tháng, tức kéo dài thời gian áp dụng TT02/2022/TT-NHNN cho tới hết năm 2024. Đặt trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp cần thêm thời gian - nguồn lực trả nợ vay và tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối T3/2024 mới chỉ tăng 1.34% so với cuối năm 2023, quyết định này tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD có thể cung ứng nguồn vốn lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, GDP (PPP) của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 1,438 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia (4,391 tỷ USD) và Thái Lan (1,563 tỷ USD) trong khi dẫn trước các quốc gia khác trong khu vực như Myanmar, Campuchia, Lào, Brunei, v.v. Xét trên quy mô thế giới, quy mô GDP(PPP) Việt Nam xếp thứ 25 thế giới, vượt cả các quốc gia từng dẫn trước trong giai đoạn trước, như Hà Lan hay Thụy Sỹ. Với tốc độ tăng trưởng này, quy mô GPD (PPP) của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 2,343 tỷ USD vào năm 2029, và tiến vào Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.