Tin tức thị trường ngày 20/08/2024
20/08/2024
Bên mua chủ động kéo thanh khoản chỉ số
VNIndex đóng cửa tại 1,273 điểm, tăng 11 điểm với thanh khoản cải thiện lên mức 19 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, thị trường phiên nay tiếp tục đà tích cực, tăng điểm khá tốt ngay từ lúc mở cửa, dù gặp áp lực đôi chút khi đến ngưỡng 1,270 điểm sau đó hạ điểm. Tuy nhiên, sang phiên chiều, thị trường đón nhận dòng tiền tăng vọt so với phiên sáng, đi kèm với giá cổ phiếu mạnh lên cho thấy thanh khoản gia tăng đi kèm với sự chủ động từ bên mua. Nhờ đó, chỉ trong 3 phiên tính đến nay, chỉ số VNIndex đã tăng gần 50 điểm. Kết phiên, độ rộng thị trường nghiêng về sắc xanh, với 264 mã tăng/136 mã giảm.
Top tăng điểm dẫn đầu là nhóm ngân hàng, với các mã nổi bật là VCB (+2.3%), BID (+2.6%) và CTG (+1.7%). Nhóm bất động sản bật tăng mạnh với loạt mã xanh, tiêu biểu nhất là các mã họ Vin, với VHM (+2.1%), VIC (+1.3%), DIG (+5.7%) và NVL (+5.0%). Tương tự, nhóm bán lẻ với các mã MWG (+0.7%), FPT (+0.8%) và PNJ (+3.0%).
Top giảm điểm gồm một số tiêu điểm đáng chú ý là PLX (-1.9%), VNM (-0.5%), MSN (-0.3%) và HPG (-0.2%).
Khối ngoại phiên nay bất ngờ trở lại mua ròng 326 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất vào các mã VCB (+158 tỷ), FPT (+128 tỷ) và MWG (+98 tỷ).
Tin tức và sự kiện:
- Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, số lượng container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam đã vượt quá 7,650 chiếc, chủ yếu tại các cảng biển lớn là TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, v.v. Được biết, lượng lớn container tồn đọng lâu ngày tại cảng biển chưa thể xử lý được do nhiều lý do khách quan như: hãng tàu vận chuyển đã phá sản, chủ hãng từ chối nhận hàng hoặc không có thông tin liên lạc được với chủ hang. Theo đó, việc tồn đọng hàng hoá lâu ngày chiếm dụng kho bãi cảng, vỏ container của hãng tàu, đang làm giảm hiệu quả khai thác và luân chuyển bãi.
- Theo thống kê từ báo
cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết Q2/2024, số dư nợ xấu đã tăng gần
45,000 tỷ đồng (tương ứng 22%) so với cuối năm 2023. Còn xét về tỷ lệ nợ xấu,
theo WiGroup, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối Q2/2024 đã đạt mức 2.22% - cao hơn
mức 2.18% của Q1/2024 và mức 1.96% của Q4/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao phản
ánh việc người dân và các doanh nghiệp vẫn gặp khó khan trong việc trả nợ
trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể xem xét triển
khai giải pháp “chứng khoán hóa” để xử lý nợ xấu – giải pháp vốn hiện hữu
tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v.