Tin tức thị trường ngày 09/04/2024
09/04/2024
VNIndex đóng cửa tại 1,263 điểm, tăng 12 điểm song thanh khoản sụt giảm còn hơn 17 nghìn tỷ đồng. Trong phiên sáng, áp lực bán có tín hiệu suy yếu đã mở đường cho cơ hội hồi giá, song lực cầu còn quá thận trọng khiến giao dịch khá đìu hiu. Dù được kích thích tăng khoảng 4,5 điểm khi mở cửa nhờ tin các đợt tín phiếu phát hành trước đó bắt đầu đáo hạn song VN-Index cũng dần ngã nhào dưới tham chiếu và tạo đáy. Tuy vậy, đặc biệt từ phiên chiều, với động lực lớn nhất từ 2 ông lớn ngân hàng và dòng tiền cải thiên, chỉ số đảo chiều trở lại sắc xanh yêu thích của nhà đầu tư, và kết phiên với 337 mã tăng/139 mã giảm.
Top tăng điểm dẫn đầu là nhóm ngân hàng, tiêu biểu nhất là các mã BID (+3.7%), CTG (+2.2%) và LPB kịch trần. Nhóm chứng khoán đảo chiều tăng tích cực với các mã nổi bật là SSI (+2.2%), VND (+2.8%) và SHS (+3.6%). Tương tự, nhóm bán lẻ gây ấn tượng với MWG (+5.6%), PNJ (+1.6%) và MSN (+2.2%).
Top giảm điểm gồm một số tiêu điểm đáng chú ý là VCB (-0.6%), VPB (-0.3%), FRT (-2.0%) và SAB (-0.5%).
Khối ngoại phiên nay tiếp tục trở lại mua ròng nhẹ, với tổng giá trị mua ròng đạt 269 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất vào MWG (+274 tỷ) trong khi bán mạnh VHM (-133 tỷ) và FUESSVFL (-112 tỷ).
Tin tức và sự kiện:
- Hôm qua (08/04), lô tín phiếu đầu tiên được NHNN phát hành từ một tháng trước (11/03/2024) với giá trị 15,000 tỷ đồng đã bắt đầu đáo hạn. NHNN cũng phát hành 3,200 tỷ đồng tín phiếu mới trong phiên qua, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 2.9%/năm. Như vậy, tính chung, NHNN đã "bơm " vào thanh khoản hệ thống 11,800 tỷ đồng trong ngày 08/04. Theo đánh giá, trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên bắt đầu đáo hạn và vấn đề tỷ giá vẫn còn nhiều căng thẳng, các chuyên gia dự đoán NHNN nhiều khả năng sẽ duy trì phát hành tín phiếu trong thời gian tới.
- Báo cáo từ EY cho thấy, bối cảnh IPO khu vực Đông Nam khá ảm đạm trong quý I/2024, với 38 thương vụ tương đương 1 tỷ USD, giảm so với 51 thương vụ và huy động được 1.4 tỷ USD trong cùng kỳ. Trong đó, các thị trường sôi động nhất trong quý gọi tên Indonesia (20 đợt IPO, 224 triệu USD), Malaysia (9 đợt IPO, 279 triệu USD) và Thái Lan (6 đợt IPO, 273 triệu USD). Tình trạng trên được cho là do bối cảnh lãi suất cao và lạm phát, đã tác động đến niềm tin nhà đầu tư và các tổ chức phát hành trong khu vực, khiến các công ty chưa niêm yết trong khu vực điều chỉnh lại chiến lược, đặt trọng tâm cao hơn vào lợi nhuận.