Web tradingMở tài khoản
Flag EngVIE
Thị trườngTin tức thị trường

Tầm quan trọng của hiệu ứng Fisher

Tầm quan trọng của hiệu ứng Fisher

29/01/2024

Điểm nhấn chính:

- Hiệu ứng Fisher là giả thuyết kinh tế giải thích mối quan hệ giữa lạm phát, lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa.

- Hiệu ứng Fisher có nhiều ứng dụng khác nhau, từ tiết kiệm/đầu tư, cho vay, đến chính sách tiền tệ và thị trường tiền tệ quốc tế.  

Hiệu ứng Fisher là gì?

Hiệu ứng Fisher (Fisher effect) là một giả thuyết kinh tế được phát triển bởi nhà kinh tế học Irving Fisher, nhằm giải thích mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất thực cũng như lãi suất danh nghĩa.

Mối quan hệ giữa sức mua và lạm phát có thể được diễn đạt thông qua phương trình Fisher sau đây:

(1 + Lãi suất danh nghĩa) = (1 + Lãi suất thực) x (1 + Tỷ lệ lạm phát)

Và để đơn giản hóa, phương trình này sẽ là: Lãi suất thực ≈ Lãi suất danh nghĩa – Tỷ lệ lạm phát

Hiệu ứng Fisher cho rằng, lãi suất thực bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát dự kiến. Do đó, lãi suất thực sẽ giảm khi tỷ lệ lạm phát tăng, trừ khi lãi suất danh nghĩa tăng cùng tốc độ với lạm phát.  

Lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực, hãy cũng nhìn lại ví dụ trên. Khoản đầu tư của bạn mang lại lợi nhuận kỳ vọng 8% sau một năm và tỷ lệ lạm phát là 3%/năm. Ở đây, 8% chính là lãi suất danh nghĩa, chính là lợi nhuận bạn sẽ kiếm được từ việc đầu tư tiền của mình.

Khác với lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực đề cập đến “sức mua” của đồng tiền của bạn. Theo đó, khoản lãi 8% sau một năm giờ chỉ tương đương với khoản lãi 5% tại thời điểm này năm trước, tức là đồng tiền của bạn đã mất 3% giá trị, chính là tỷ lệ lạm phát.  

Tầm quan trọng của hiệu ứng Fisher

Trong khoản tiết kiệm/đầu tư

Để đánh giá lợi nhuận kiếm được từ khoản tiết kiệm, đầu tư một cách tốt nhất, bạn cần phải hiểu được sự khác biệt giữa lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực.

Điều này có thể được hiểu một cách đơn giản thông qua ví dụ sau. Giả sử, tỷ lệ lạm phát là 3% và khoản đầu tư/tiết kiệm của bạn mang lợi lợi nhuận kỳ vọng là 7%/năm. Sau một năm, lợi nhuận thực tế bạn nhận được chỉ còn 4%, vì giá trị đồng tiền đã mất 3% so với năm trước (do tác động từ lạm phát). Ngược lại, trong trường hợp khoản đầu tư/tiết kiệm của bạn chỉ mang lại lợi nhuận kỳ vọng là 2%, lợi nhuận thực tế bạn nhận được thực sự đã giảm 1%.

Nhìn chung, theo hiệu ứng Fisher, khoản đầu tư hay tiết kiệm, dù mang lại lợi nhuận song nếu tỷ suất lợi nhuận nhỏ hơn lạm phát, khoản tiền đó của bạn đã bị mất giá trị.

Trong khoản cho vay

Hiệu ứng Fisher có thể được coi là công cụ quan trọng để người cho vay xác định được, liệu họ có lời nếu cho một ai đó vay hay không. Người cho vay sẽ không được hưởng lợi từ lãi suất cho vay, trừ khi mức lãi suất này cao hơn tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế. Do đó, theo hiệu ứng Fisher, lãi suất tối thiểu mà người cho vay áp dụng đối với người đi vay tối thiểu phải ngang mức tỷ lệ lạm phát, để đảm bảo sức mua của đồng tiền khi khoản vay được thanh toán.

Trong chính sách tiền tệ

Tầm quan trọng của lý thuyết kinh tế của Fisher khiến nó được các nhà hoạch định chính sách vận dụng trong việc điều hành, quản lý lạm phát và giữ lạm phát ở mức hợp lý.

Một trong những nhiệm vụ của ngân hàng trung ương của một quốc gia là đảm bảo tỷ lệ lạm phát ở một mức nhất định để ngăn chặn tình trạng giảm phát, song cũng kiểm soát để lạm phát không ở mức quá cao. Theo đó, để làm được điều này, ngân hàng trung ương sẽ ấn định lãi suất danh nghĩa bằng cách thay đổi tỷ lệ dự trữ ngoại hối, thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở hay tham gia vào các hoạt động khác, v.v.

Ví dụ, nếu ngân hàng trung ương thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng, khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng 5% thì lãi suất danh nghĩa cũng phải tăng một mức tương tự là 5%.

Trong thị trường tiền tệ quốc tế

Theo lý thuyết ngang giá sức mua (PPP), tỷ giá hối đoái phản ứng với sự khác biệt về tỷ lệ lạm phát thực tế giữa các quốc gia khác nhau trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, vì tỷ lệ lạm phát thực tế không được đo lường cho đến một thời điểm xác định, nên chúng không thể được sử dụng để dự đoán tỷ giá hối đoái có thể thay đổi như thế nào. Một lý thuyết khác, được gọi là Hiệu ứng Fisher quốc tế (International Fisher effect – IFE), đưa ra mối quan hệ cụ thể giữa chênh lệch lãi suất danh nghĩa của hai quốc gia và biến động tỷ giá hối đoái.

Theo hiệu ứng Fisher quốc tế, chênh lệch dự kiến ​​giữa tỷ giá hối đoái của hai loại tiền tệ xấp xỉ bằng chênh lệch giữa lãi suất danh nghĩa của hai quốc gia đó. Theo đó, các quốc gia có lãi suất thấp hơn cũng có thể sẽ có mức lạm phát thấp hơn, dẫn đến sự gia tăng giá trị thực của đồng tiền liên quan khi so sánh với các quốc gia khác. Ngược lại, các quốc gia có lãi suất cao hơn, sẽ có xu hướng có tỷ lệ lạm phát cao hơn. Lạm phát tăng sẽ khiến đồng tiền của quốc gia có lãi suất cao hơn mất giá so với quốc gia có lãi suất thấp hơn.

E = (Lãi suất danh nghĩa quốc gia A – Lãi suất danh nghĩa quốc gia B)/ (1 + Lãi suất danh nghĩa quốc gia B)       

     ≈ Lãi suất danh nghĩa quốc gia A – Lãi suất danh nghĩa quốc gia B

Ví dụ: nếu lãi suất danh nghĩa của quốc gia A là 10% và lãi suất của quốc gia B là 5% thì đồng tiền của quốc gia B sẽ tăng giá khoảng 5% so với đồng tiền của quốc gia A.

Hạn chế của hiệu ứng Fisher

Một nhược điểm quan trọng của hiệu ứng Fisher là “bẫy thanh khoản” xuất hiện, khi việc giảm lãi suất có thể không đủ để thúc đẩy các hoạt động chi tiêu và đầu tư. Trong kịch bản này, các điều kiện của nền kinh tế kém đến mức người tiêu dùng và doanh nghiệp thà tiết kiệm tiền của mình ở mức lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát, thay vì chi tiêu hay đầu tư, ngay cả khi họ đang mất đi một phần số tiền đó trên thực tế do lạm phát.

Hạn chế khác liên quan đến độ co giãn của cầu (mức độ nhạy cảm của nhu cầu hàng hóa đối với sự thay đổi của các thông số kinh tế khác như giá cả hoặc thu nhập) so với lãi suất. Khi hàng hóa tăng giá trị và niềm tin của người tiêu dùng cải thiện đáng kể, lãi suất thực cao hơn sẽ không hẳn làm giảm nhu cầu.